Thông qua tiến hành khảo sát, Bộ Công Thương cho biết, 91% doanh nghiệp nhận định việc áp dụng ISO 9001 giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của họ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương từ cuộc khảo sát tiến hành trong năm 2020, chứng chỉ ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng là loại chứng nhận quốc tế được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất. Cụ thể, chứng nhận ISO 9001 chiếm 39% trên tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Kết quả này một lần nữa khẳng định lợi ích mà chứng nhận này đem lại cho doanh nghiệp. Đây là chứng nhận giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu, ổn định và kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong và quốc tế.
Với những doanh nghiệp đã và đang áp dụng ISO 9001, kết quả cho thấy: 84% nhận định năng suất có tăng lên, 91% nhận thấy chất lượng sản phẩm được cải tiến và chỉ có 2% doanh nghiệp cho rằng năng suất giảm, số còn lại nhận định rằng năng suất doanh nghiệp hoặc chất lượng sản phẩm không thay đổi khi xây dựng ISO 9001. Điều này cho thấy việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 thúc đẩy cải tiến chất lượng sản phẩm tốt hơn tương đối so với cải thiện năng suất của doanh nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, theo đánh giá của Viện Năng suất Việt Nam (VNPI), không chỉ riêng việc áp dụng đơn lẻ ISO 9001 mà sử dụng tích hợp các công cụ quản lý tiên tiến khác cùng với ISO 9001 cũng đã làm thay đổi bộ mặt sản xuất kinh doanh của hàng loạt các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điển hình như tại Công ty THACO Interior, sau 7 tháng triển khai, việc áp dụng TPM (Total Productive Maintenaince) kết với với kiên định duy trì ISO 9001 đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các hệ thống quản lý hiện có của công ty. Trên cơ sở tích hợp tối đa về hệ thống tài liệu và quá trình vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống. chỉ số OEE (hiệu suất thiết bị tổng thể) của máy làm thí điểm đã tăng từ mức 43% lên 75%. Điều này có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty nhờ giảm tổn thất dừng máy, gia tăng tốc độ và nâng cao chất lượng.
Một điển hình khác có thể nhắc tới là Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). Nhờ tích hợp các công cụ cải tiến năng suất (5S, TPM) với ISO 9001, năng suất lao động của công ty được nâng cao; phương tiện, máy móc, thiết bị đạt hiệu suất trên 90%. Đặc biệt, sự tích hợp TPM với ISO 9001 là yếu tố then chốt giúp Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nâng cao hiệu suất và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình.
Cụ thể, 5S được Công ty Tiền Phong thực hiện từ năm 2013 bắt đầu thí điểm với một nhà máy. Sau khi thấy hiệu quả, công ty đã mở rộng việc áp dụng ra tất cả các nhà máy, văn phòng của công ty trên toàn quốc. Từ thành công của 5S, Công ty Tiền Phong tiếp tục triển khai TPM cho các nhà máy sản xuất và tích hợp giữa ISO 9001, ISO 14000, ISO 50001 cùng các công cụ cải tiến 5S, TPM, LSS, Lean SixSigma. Sau 6 tháng triển khai, chỉ số OEE của thiết bị đều đạt trên 50%, thời gian sản xuất giảm từ 132,3 giây/sản phẩm xuống còn 102,92 giây/sản phẩm, năng suất lao động từ 24,7 sản phẩm/người/giờ tăng lên 31,3 sản hẩm/người/giờ, giảm chi phí sản xuất từ 66.006,3 đồng/sản phẩm xuống còn 1.130,1 đồng/sản phẩm, giúp tiết kiệm hơn 1,14 tỷ đồng và giảm 3 công đoạn sản xuất.
Bởi vậy không khó lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp tìm tới các dịch vụ tư vấn ISO 9001 để được hướng dẫn xây dựng, triển khai và chứng nhận tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng. |