Nhãn hiệu là yếu tố giúp phân biệt sản phẩm dịch vụ của bạn với sản phẩm dịch vụ của các công ty khác. Làm thế nào để nhãn hiệu của bạn không bị chìm nghỉm trong một “rừng” các loại nhãn hiệu trên thị trường hiện nay?
1. Lựa chọn một nhãn hiệu mạnh
Bạn có thể nhờ luật sư chuyên về nhãn hiệu tư vấn để có định hướng cụ thể và phù hợp với thực trạng địa phương bạn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo 3 loại nhãn hiệu được cho là mạnh dưới đây.
Nhãn hiệu kỳ cục
Loại nhãn hiệu này là từ tự đặt ra chỉ có chức năng duy nhất là nhằm phân biệt các hàng hóa dịch vụ của bạn với các hàng hóa dịch vụ của các công ty khác. Pepsi® và Xerox® là hai từ không tồn tại trong bất kỳ một ngôn ngữ nào trước khi chúng được chọn làm nhãn hiệu cho các loại đồ uống và máy photocopy.
Nhãn hiệu tùy ứng
Loại nhãn hiệu này là một từ có nghĩa nhưng lại không hề liên quan đến sản phẩm mà nó đại diện. Chẳng hạn như Apple được sử dụng trên máy vi tính là một nhãn hiệu mạnh dù nó không mô tả bất kỳ một đặc tính hay đặc điểm nào của máy vi tính. Hay các bạn đã biết đến hãng sơn nổi tiếng Four Oranges?
Nhãn hiệu gợi mở
Loại nhãn hiệu này là một từ mà khi được sử dụng cho các sản phẩm dịch vụ, đòi hỏi cần có sự tưởng tượng, suy nghĩ hoặc nhận thức để rút ra được sự liên quan giữa từ đó với bản chất của loại hình sản phẩm dịch vụ đó. Greyhound® sử dụng cho dịch vụ xe buýt là loại nhãn hiệu gợi ý bởi khách hàng phải sử dụng trí tưởng tượng để kết luận rằng cách thức di chuyển bằng loại hình xe buýt này “nhanh như chó săn” (Greyhound có nghĩa là chó săn).
2. Tra cứu nhãn hiệu nhằm tránh xung đột
Sau khi đã lựa chọn được một số nhãn hiệu mạnh, bước tiếp theo là bạn cần phải tìm hiểu xem liệu nhãn hiệu bạn chọn đã có ai khác đăng ký sử dụng trước đó không. Cần phải lưu ý rằng nhãn hiệu của bạn không nhất thiết phải giống hệt một nhãn hiệu khác đã có tiếng trên thị trường; chỉ cần tương tự gây nhầm lẫn là có thể không được bảo hộ độc quyền sử dụng. Ví dụ như, Blue Shield® là một nhãn hiệu đã được đăng ký. Có một công ty khác nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Red Shield và bị từ chối vì lý do có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Blue Shield®.
3. Đăng ký ngay tên miền tương ứng
Xu hướng ngày nay là hầu hết các công ty đều nhanh chóng đăng ký tên miền tương ứng với nhãn hiệu của mình, chẳng hạn như Pepsi® với tên miền Pepsi.com, Sony® với sony.com hoặc Honda® với honda.com. Việc đăng ký tên miền tương ứng nhằm 2 mục đích: tạo điều kiện cho khách hàng muốn tìm hiểu thêm về công ty hoặc đăng ký giao dịch trực tuyến; tránh trường hợp có người khác đăng ký tên miền trùng với nhãn hiệu của bạn nhằm trục lợi bất chính, làm mất uy tín của công ty.
4. Đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu
Bước cuối cùng nhưng quan trọng không kém là bạn phải đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu của mình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi nhãn hiệu của bạn được cấp bằng bảo hộ, bạn có thể yên tâm rằng nhãn hiệu mà bạn đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để nghĩ ra và đầu tư phát triển sẽ không bị người khác “mượn” bất hợp pháp.
Linh Hương Đặng
Theo BusinessKnowHow
(DanTri)
|