1. Máy chủ dành cho hộ gia đình
Nhu cầu lưu trữ giờ đã phát triển tới mức máy chủ đặt tại nhà trở thành hiện thực. Những cỗ “máy cái” này sẽ được thiết kế nhét vừa vặn dưới gầm cầu thang và lưu trữ được hàng ngàn GB dữ liệu: phim, ảnh, nhạc số. Dữ liệu trong máy chủ có thể được sử dụng bởi tất cả PC nối mạng LAN trong nhà.
Microsoft cũng đang ra sức quảng bá cho hệ thống phần mềm Máy chủ tại gia của mình. Phần mềm cho phép người dùng sao lưu dữ liệu và lưu file từ nhiều máy tính lên một máy chủ duy nhất. Và không chỉ có các máy nối mạng LAN - một PC có kết nối Internet ở bất kì đâu trên thế giới cũng có thể truy cập vào dữ liệu lưu trên máy chủ.
2. TV di động
Với những người gặp rắc rối với quá trình thiết lập mạng LAN tại gia, các công ty như SanDisk cung cấp giải pháp đơn giản hơn rất nhiều giúp họ “mang theo” chiếc TV mọi nơi trong nhà. Sản phẩm của hãng, có tên Sansa Take TV trông giống một thẻ nhớ USB, có thể lưu file với dung lượng tối đa 4GB - 8GB từ PC, sau đó cắm vào giắc kết nối với TV thông thường. Bộ điều khiển từ xa đi kèm giúp “xem ti vi” và duyệt file thuận tiện hơn. Các phần mềm cho “TV di động” này có thể download từ trang chủ của hãng sản xuất.
3. Kết nối thống nhất
Vấn đề phiền phức nhất của kết nối không day là có quá nhiều chuẩn kết nối, và các thiết bị không dây thường xuyên gặp tình trạng không tương thích dẫn tới không thể sử dụng. Nhưng giờ đây, một liên minh hơn 250 công ty trong lĩnh vực Wi-Fi có tên DNLA đang cố gắng khắc phục tình trạng nói trên. Tất cả các thiết bị được chứng nhận bởi DNLA sẽ hoạt động được với nhau bất kể do hãng nào sản xuất – và hiện tại các thiết bị đầu tiên do Sony, Nokia & JVC sản xuất đã xuất hiện trên thị trường.
4. TV thông minh
Những chiếc TV thông minh kết nối trực tiếp với Internet được trưng bày tại CES tỏ ra khá ấn tượng. Sản phẩm của Sharp chẳng hạn - có cả cổng mạng LAN ở phía sau máy. Những chiếc TV này kết nối trực tiếp với dịch vụ AQUOSnet của Sharp, cho phép tải xuống các phần mềm phụ hiển thị thông tin thêm trên màn hình trong quá trình xem truyền hình. Dịch vụ hỗ trợ khách hàng cũng được hãng cung cấp qua mạng.
5. Âm nhạc mọi lúc - mọi nơi
Slim Squeezebox là sản phẩm lý tưởng cho những người sở hữu bộ sưu tập nhạc số khổng lồ trên PC, nhưng lại muốn nghe nhạc qua dàn hi-fi dân dụng ngoài phòng khách. Thiết bị này thực chất là một máy thu Wi-fi trong khi vẫn cắm được vào dàn loa dân dụng, tự động tìm và nhận diện các file nhạc lưu trên máy trong mạng và phát chúng trên dàn hi-fi chất lượng cao. Thiết bị được hỗ trợ bởi một điều khiển từ xa có gắn kèm màn hình LCD, cho phép người sử dụng duyệt qua bộ sưu tập của mình tìm bài hát ưng ý. Ngoài ra, Slim Squeezebox còn có khả năng tìm & phát lại các kênh radio Internet như Rhapsody và Pandora.
6. Máy chiếu không dây
Máy chiếu luôn là lựa chọn lý tưởng cho dân công nghệ muốn thưởng thức phim màn ảnh rộng, nhưng không muốn sử dụng TV cỡ lớn. Máy chiếu không dây của Toshiba có khả năng chiếu hình ảnh có kích thước từ 60 tới 120 inch. Lợi thế không dây của sản phẩm này cho phép kết nối với các PC trong mạng và thậm chí cả máy chơi game Xbox 360 hoặc đầu đĩa DVD.
7. TV màn hình đôi
Phim ảnh và chương trình giải trí tràn ngập trên truyền hình đôi khi khiến các thành viên trong gia đình không thể thống nhất nên xem cái gì - và TV màn hình đôi có thể là giải pháp tốt nhất. Sản phẩm TV plasma của Samsung sử dụng một cặp kính đặc biệt được quảng cáo “có thể hiển thị hình ảnh khác nhau cho mỗi người cùng lúc”. Vấn đề duy nhất: bạn phải đeo đôi kính râm khá “kì dị” này trong suốt thời gian xem TV!
8. Điều khiển từ xa dùng chung cho mọi thiết bị
Khi TV trong phòng khách được kết nối với PC ở phòng ngủ, phòng làm việc, bộ điều khiển từ xa thông thường cho TV sẽ không còn hợp thời. Logitech diNovo Mini là sản phẩm lai giữa bàn phím máy tính & điều khiển từ xa của TV, với đầy đủ các chữ cái và phím chức năng của TV. Bộ điều khiển này ra lệnh cho thiết bị khác qua kết nối Bluetooth ở khoảng cách tối đa 10m.
9. Khung ảnh số không dây
Bạn không cần phải in ảnh chụp bằng máy kĩ thuật số ra giấy khi đã sở hữu một khung ảnh số. Và khung ảnh số Wi-fi còn hiện đại hơn khi tận dụng kết nối thường trực với PC trong mạng LAN để hiển thị các ảnh lưu trên PC đó. Thậm chí bức ảnh được người dùng chụp bằng mobile phone sẽ được hiển thị ngay lập tức trên khung ảnh số Wi-fi.
10. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt
Mặc dù cần thêm nhiều năm nữa trước khi công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể đưa vào thương mại hoá, các công ty lớn vẫn không bỏ lỡ dịp trình diễn sản phẩm ngay từ bây giờ. Panasonic gây ấn tượng cho khách hàng bằng bức tường Life wall, ứng dụng công nghệ mang tên “Stay-with-me-TV” (Ở lại với tôi). Công nghệ này ứng dụng kĩ thuật nhận dạng khuôn mặt để “theo dấu” người dùng di chuyển trong phòng và tự động tăng-giảm kích thước màn hình TV trên tường.
Vài công ty khác, ví dụ Sony, cho hay công nghệ này có thể dùng để tự động bật chế độ quản lý nội dung chương trình TV nếu phát hiện có trẻ con ngồi trước màn hình.
Hoàng Hải
Theo BBC