|
Ảnh minh họa: ZDNet. |
Hãng KMC Systems (Hà Lan) đang cùng đối tác VPNet (Anh) tái triển khai một dịch vụ kết nối mà họ khẳng định có thể đáp ứng được gần như tất cả những gì WiMax hứa hẹn. Khâu kỹ thuật đã hoàn thiện và vấn đề chỉ còn là chi phí ra sao.
Công nghệ nói trên mang tên InspiAir - do một công ty cùng tên ở Israel phát triển - dù đã có những hợp đồng ban đầu nhưng tới nay chưa thành công rộng rãi. Hiện nay, KMC Systems nắm quyền khai thác thương mại InspiAir trên toàn cầu và đổi tên thành Max-Fi. Họ quảng bá về nó như một giải pháp tiết kiệm chi phí thay thế WiMax, vốn đã được coi là rẻ so với các dạng kết nối băng rộng khác.
“Max-Fi không tiêu tốn thêm năng lượng. Nó cũng dựa trên bộ chuẩn không dây 802.11 và tương thích với các loại laptop hiện hành”, John Duffin, Giám đốc phát triển kinh doanh của VPNet, cho biết. “Ở cự ly 2 km, tốc độ truy cập đạt 1-2 Mb/giây”. Hiện tại, mỗi thiết bị điểm truy cập Max-Fi AirEZ 4000 hỗ trợ 4 kênh vô tuyến theo chuẩn 802.11a/b/g và có thể cho phép tới 300 người sử dụng.
Tuy nhiên, các ý kiến phê bình cho rằng thành công của Max-Fi chủ yếu là được thực hiện ở môi trường ngoài trời, bất cứ công nghệ Wi-Fi nào cũng có thể cho kết nối tầm xa trong không gian thông thoáng. Tuy nhiên, Avreal Rabenau, Giám đốc phụ trách Max-Fi của KMC Systems, khẳng định rằng nó hoàn toàn có thể vượt xa Wi-Fi chuẩn ở môi trường trong nhà. “Kỹ thuật này làm được mọi thứ giống như với Wi-Fi, cộng thêm lợi ích là tín hiệu của nó có thể xa hơn 2 km. WiMax giúp tăng thêm băng thông nhưng công nghệ của chúng tôi có thể đáp ứng 80% điều đó, và hơn nữa tiêu hao năng lượng lại thấp hơn đối với các thiết bị hiện hành”, Ravenau nói.
Cảng Antwerp của Bỉ mới đây đã triển khai thiết bị Max-Fi, phủ sóng 30 km vuông với 14 điểm truy cập. Mạng này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ tại cảng như hệ thống camera giám sát, liên lạc VoIP, cung cấp truy cập Internet cho tàu thuyền đậu trong bến. Theo Rabenau, tổng chi phí cho hạ tầng ở Antwerp là khoảng nửa triệu euro, trong đó một nửa số tiền là dành cho phần cứng. So với các dự án viễn thông khác thì tỷ lệ đó là thấp hơn.
Minh Hồng (theo TechWorld)