|
Ảnh quảng bá Festival Tây Sơn - Bình Định 2008.
|
+ Quan điểm của ông khi dàn dựng các chương trình Festival như thế nào, thưa ông?
- Khi xây dựng các chương trình Festival, tiêu điểm mà tôi muốn hướng đến không phải là nhận thức mà chính là cảm xúc của người xem. Chương trình nào càng đem đến cho người xem nhiều cảm xúc bất ngờ, chương trình đó càng có hiệu quả. Và nếu từ cảm xúc ban đầu đó, người xem bắt đầu liên tưởng… thì đó sẽ là một thành công với người dàn dựng. Chính vì vậy, khi đảm nhận làm đạo diễn cho chương trình nào, mọi chi tiết của chương trình, dù nhỏ, tôi đều phải suy nghĩ rất kỹ, nhằm đi được vào cảm xúc của người xem một cách tốt nhất.
+ Vậy đối với một hoạt động “đinh” của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, là chương trình nghệ thuật tổng hợp trong Lễ Khai mạc. Ông sẽ khơi gợi cảm xúc của khán giả thế nào?
- Chương trình nghệ thuật tổng hợp khai mạc Festival sẽ nổi bật ở chỗ tất cả các màn diễn đều mang màu sắc riêng, gắn với một ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn “Bình Định - biển trời huyền diệu” là phần biểu diễn hết sức trữ tình, đẹp và đầy chất thơ, mang tính ca ngợi cao. Còn “Bình Định - miền đất Võ”, tôi không dàn dựng theo kiểu đồng diễn, mà đưa vào khung cảnh một ngày hội làng, với nhiều cảnh được dàn dựng có ý nghĩa và có tác dụng gợi mở cảm xúc… Qua đó, tôi muốn khẳng định vai trò của võ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương. “Điểm nhấn” của chương trình là phần “Khát vọng mở đất”. Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của đạo diễn Lê Quý Dương, hình ảnh cây cầu Thị Nại sẽ “xuất hiện” vô cùng ấn tượng trên sân khấu….
+ Có ý kiến vẫn băn khoăn khi cảnh đăng quang của Hoàng đế Quang Trung nhưng lại sử dụng nhã nhạc Huế. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Việc sử dụng nhã nhạc Huế trong cảnh đăng quang là hoàn toàn hợp lý. Thứ nhất nhã nhạc Huế không nên hiểu là nhã nhạc của triều Nguyễn, mà đó là sự tiếp nối, kế thừa nhã nhạc cung đình Việt đã có từ thời nhà Lê và tiếp tục được bồi đắp, phát triển qua nhiều thời đại. Thứ hai, Hoàng đế Quang Trung lên ngôi tại Huế, nên dùng nhã nhạc Huế- một Di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại - là không có gì sai. Chỉ có điều, tôi đã lưu ý đội nhã nhạc Huế biểu diễn trong lễ khai mạc không được mặc trang phục triều Nguyễn, mà mặc trang phục nhà Tây Sơn.
+ “Đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại” cũng là chương trình hết sức độc đáo do ông đạo diễn. Việc thực hiện chương trình sẽ như thế nào, nhất là trong điều kiện lần đầu tiên dàn dựng?
- Đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại là một chương trình hoàn toàn khả thi, đó cũng chính là tâm huyết mà tôi đã ấp ủ lâu nay. Phương pháp tập luyện cho đêm hoa đăng cũng tương đối đơn giản và không mất nhiều thời gian. Đầu tiên, là tập lái tàu trên sa bàn, để mỗi người hình dung cách di chuyển ban đầu. Sau đó, sẽ ra Sân vận động tập. Toàn bộ 20 lái tàu sẽ như 20 con thuyền tập đi bộ di chuyển trên sân, theo sơ đồ trình diễn trên mặt đầm… Đến khi thuần thục, mới ra đầm Thị Nại tập trên thuyền thật. Nếu tích cực tập luyện và triển khai theo đúng ý tưởng kịch bản, đây sẽ là một màn trình diễn độc đáo, chưa nơi nào có.
+ Đến nay, việc triển khai tập luyện các chương trình biểu diễn trong Festival đến đâu, thưa ông?
- Đến giờ phút này, có thể nói, tất cả các êkip thực hiện việc dàn dựng cho các chương trình Festival đã xây dựng xong. Phần âm nhạc trong các chương trình Festival sẽ do hai nhạc sĩ Bình Định là Khắc Hùng (Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định) và Nguyễn Gia Thiện (Nhà hát Tuồng Đào Tấn) sáng tác. Năm đoàn nghệ thuật ở các địa phương khác tham gia trong chương trình khai mạc Festival sẽ đem tác phẩm về tham dự theo đúng kịch bản: Trong đó, Đoàn Ca Múa Nhạc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh) dàn dựng màn “Đất Phương Nam và hào khí Rạch Gầm” do nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sáng tác, NSƯT Đặng Hùng - Vương Linh biên đạo. Cũng trong màn ấy, biên đạo NSƯT Chí Thiện (Đoàn Nghệ thuật Tiền Giang) sẽ dàn dựng đoạn Chiến thắng Rạch Gầm. Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long (Hà Nội) với màn “Ngày hội hoa đào” do nhạc sĩ Trọng Đài sáng tác, NSƯT Quốc Toản biên đạo…. Ngoài ra, tôi còn mời thêm năm biên đạo nổi tiếng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng ba biên đạo địa phương là Hoàng Việt, Thu Hương và Nhật Huy cùng tham gia dàn dựng các chương trình.
+ Khi nào, việc tập luyện các chương trình trong Festival sẽ bắt đầu, thưa ông?
- Phần lớn lực lượng được huy động để tham gia biểu diễn là học sinh, sinh viên ở các trường trong tỉnh. Do vậy, tại huyện Tây Sơn, ngày 5.7 mới chính thức khởi công luyện tập Lễ Dâng hoa - Dâng hương; còn tại Quy Nhơn, ngày 10.7 sẽ khởi công luyện tập chương trình khai mạc và ngày 15.7 sẽ tập chương trình đêm hoa đăng. Dự kiến ngày 25.7 sẽ tiến hành sơ duyệt và 30.7 tổng duyệt các chương trình. Thời gian tập luyện như thế là không nhiều, nhưng với lực lượng biên đạo đông đảo, cùng cách sắp xếp tập luyện hợp lý, chúng tôi có thể triển khai dàn dựng cùng lúc nhiều chương trình nghệ thuật, nên chắc chắn, việc tập luyện sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ.
+ Xin cảm ơn ông!