4 giấy phép cung cấp dịch vụ 3G ở Việt Nam đã có chủ. Dịch vụ băng thông rộng trên ĐTDĐ thế hệ mới (3G) sắp thành hiện thực và sẽ đến tay người dùng sớm nhất là 3 tháng nữa. Giống như các dịch vụ 2G và thị trường di động phát triển nhanh như hiện nay, giới chuyên gia cũng đang kỳ vọng vào một “làn gió mới” 3G sôi động hơn nhiều.
|
3G sẽ đặc biệt phù hợp với giới trẻ. (Ảnh: MobiNet) |
Với 65% dân số trẻ dưới 30 tuổi, phù hợp với đặc thù dịch vụ 3G, các chuyên gia cho rằng, 3G chắc chắn sẽ thành công tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng khẳng định: Cơ hội để triển khai 3G tại Việt Nam đã chín muồi. Nó dựa trên những điều kiện cần và đủ như: bề dày những thử nghiệm, trải nghiệm và kinh nghiệm của công nghệ này trên thế giới, giá cả thiết bị hạ tầng và thiết bị đầu cuối đã giảm ở chặng đường cuối để tương đối phù hợp với điều kiện sống của người dân Việt Nam, thị trường di động và Internet Việt Nam đã phát triển đến một mức nhất định…
Dịch vụ 3G có những gì?
Hiểu một cách đơn giản, công nghệ 3G (third generation technology) là tiêu chuẩn truyền thông di động băng thông rộng thế hệ thứ 3. Chuẩn 3G này cho phép truyền không dây các dữ liệu thoại (giọng nói) và phi thoại (email, hình ảnh, video...).
Như vậy, những dịch vụ 3G mà 4 nhà mạng ở Việt Nam vừa được cấp phép sẽ là những dịch vụ trên nền những tiện ích trên, bao gồm:
Điện thoại truyền hình (Video call): Cho phép người gọi và người nghe có thể nhìn thấy hình ảnh của nhau trên ĐTDĐ, giống như hai người đang nói chuyện trực tiếp với nhau.
Nhắn tin đa phương tiện (MMS): Cho phép chuyển tải đồng thời hình ảnh và âm thanh, các đoạn video clip (dữ liệu động) và text cùng lúc trên bản tin với tốc độ nhanh và dung lượng lớn.
Xem phim trực tuyến (Video Streaming): xem phim trên ĐTDĐ với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt, không bị giật hình hay trễ tiếng như truy cập Internet.
Tải phim trực tuyến (Video Downloading): người dùng dịch vụ 3G có thể tải trực tiếp các bộ phim từ ngay ĐTDĐ của mình, với tốc độ nhanh, nhờ vào đường truyền băng rộng.
Thanh toán điện tử (Mobile Payment): Cho phép thanh toán hóa đơn hay giao dịch chuyển tiền... qua tin nhắn ĐTDĐ (nếu khách hàng có tài khoản mở tại ngân hàng và có liên kết với nhà cung cấp dịch vụ di động).
Truy cập Internet di động (Mobile Internet): Cho phép người dùng có thể kết nối từ xa trên ĐTDĐ với các thiết bị điện tử tại văn phòng hay ở nhà.
Quảng cáo di động (Mobile Advertizing)...
|
Tìm đường trên các bản đồ trực tuyến ngay trong ĐTDĐ của mình là một trong những dịch vụ đặc trưng 3G. (Ảnh: Số hóa). |
Làm sao để sử dụng được dịch vụ 3G?
Những lời “tán tụng” về 3G còn cho rằng, chiếc ĐTDĐ của bạn sẽ trở thành một đồ vật đa năng nhất thời đại: ví tiền, văn phòng di động, thiết bị điều khiển các đồ gia dụng (TV, tủ lạnh, máy giặt...), bản đồ số, phòng chiếu phim, nhà hát di động…
Vậy, trước tiên, sử dụng dịch vụ 3G, người dùng cần phải có một chiếc ĐTDĐ tích hợp tính năng 3G. Các 3G đã có trên thị trường Việt Nam từ lâu mà người dùng vẫn quen gọi là PDA hay điện thoại thông minh. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ hiện nay của những thiết bị 3G này chỉ chiếm khoảng 3-5%, do 3G chưa đi vào sử dụng, giá bán lại ở mức cao (khoảng 400 – 500 USD/ chiếc).
Vì vậy, dịch vụ 3G sẽ thành công cùng với sự đắt hàng của những chiếc điện thoại tích hợp 3G. Điều này đòi hỏi giá thành của những điện thoại này phải ngày càng rẻ đi và sự hấp dẫn gia tăng của các nội dung số cung cấp cho dịch vụ 3G.
Mặc dù tính năng tiêu biểu của 3G là các dịch vụ truyền dữ liệu âm thanh, hình ảnh qua ĐTDĐ trên nền Internet băng rộng, nhưng người dùng vẫn đồng thời sử dụng được cả dịch vụ thoại (tương tự như dịch vụ thoại trên ĐTDĐ của các mạng GSM (2G) hiện nay).
Cả các DN cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước đều khẳng định, giá của dịch vụ thoại 3G sẽ không cao hơn giá dịch vụ thoại 2G hiện tại. Và chính các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian đầu, dịch vụ 3G sẽ chủ yếu “dùng để alo”, có nghĩa, phần lớn người dùng sẽ tiếp nhận dịch vụ thoại 3G.
Bao giờ?
Theo cam kết của cả 4 nhà cung cấp thì dịch vụ 3G sẽ đến tay người dùng khá sớm sau khi họ nhận được giấy phép và thiết lập hạ tầng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Yên, trưởng ban 3G, Công ty VinaPhone (VNPT) cho biết, nhà mạng này vạch ra lộ trình 5 bước để cung cấp dịch vụ 3G đến tay người dùng, bao gồm: phủ sóng 20% dân cư ngay khi khai trương dịch vụ; phủ sóng 50% dân cư sau 3 năm hoạt động; phủ sóng 75% dân cư sau 5 năm hoạt động; cuối cùng, giai đoạn 4 và 5 sẽ phủ sóng đến 90% dân cư sau 10 đến 15 năm hoạt động.
Giám đốc MobiFone, ông Lê Ngọc Minh cho biết, trong vòng 3 tháng sau khi được cấp phép, MobiFone sẽ có ngay cuộc gọi đầu tiên trên mạng 3G. Sau 3 năm, MobiFone sẽ phủ sóng 3G đến 98% dân số.
Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel khẳng định, Viettel sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 3G ra thị trường sau 9 tháng kể từ khi được cấp giấy phép. Tại thời điểm khai trương dịch vụ, Vietel sẽ phủ sóng đến 86,3% dân số. Viettel sẽ hoàn thành phủ sóng đến 100% dân cư sau 3 năm. .
Đại diện Liên danh EVN-HT, ông Võ Quang Lâm, Phó Giám đốc EVN Telecom cho VietNamNet biết, liên danh này thực hiện đúng theo các cam kết như trong Hồ sơ dự tuyển. Dịch vụ 3G của EVN–HT sẽ đến tay người tiêu dùng vào quý I năm 2010.