Giờ đây, tuy công nghệ ở Việt Nam đã rất phát triển, nhưng việc cầm những thiết bị số có màn hình cảm ứng, dùng bút điều khiển chấm vào màn hình vẫn mang lại ác cảm nhiều hơn thiện cảm. Người sử dụng không thể tránh đâu khỏi những ánh mắt dè bỉu, khó chịu của những người xung quanh rồi bị gán thêm nhiều “tội” như “tiền nhiều quá không biết tiêu vào đâu cho hết”, “đua đòi”, “khoe của” hay nhiều “tội” khác không tiện nhắc đến. Không phủ nhận những nhận định trên, nhưng hãy nghe phần lớn còn lại của thế giới kỹ thuật số nói về chiếc PDA của mình.
Quang Minh (cựu học sinh Lê Hồng Phong): Em nghĩ chiếc Pocket PC iPaq 1945 rất hợp với giới học sinh vì nó rẻ (khoảng 160 USD), nhỏ và tiện dụng. Em học chuyên ngoại ngữ, nên lúc nào đến trường cũng phải mang theo ít nhất là vài cuốn tự điển rất nặng. Từ khi có máy, em không còn phải xách nặng đi học mà còn có rất nhiều tự điển bên mình: Pháp-Anh-Việt-Đức. Thú vị hơn, em còn có cả bản tuần hòan hóa học, các mô hình địa lý, các thí nghiệm vật lý rất lý thú. Nhiều lúc đi học chẳng cần đến cặp vì máy của em kiêm luôn tập vở rồi.
Tiến Vũ (cựu sinh viên RMIT): Mình mê PDA nên đang sở hữu 2 cái, 1 Pocket PC và 1 Palm. Sử dụng PDA vô cùng tiện lợi: nghe nhạc, xem phim, chơi games, lên lịch làm việc, nhắc nhở, đọc sách, xem các file Flash,... Còn nữa, những lúc thuyết trình trên lớp, mình chỉ cần chép 1 tập tin bài làm vào Pocket PC, sau đó mang đến lớp nối vào máy chiếu ở lớp để trình diễn luôn. Trong khi đó, các bạn mình phải mang cả laptop đến trường. À, từ khi có PDA, mình đã cất hết remote của tất cả các thiết bị điện trong nhà, vì PDA kiêm luôn chức năng điều khiển từ xa luôn mà!
Bà Dương Thúy Liên (phó khoa nội tim mạch Viện Tim TP.HCM): Tôi sử dụng chiếc Palm Sony Clie Tg50. Ngoài những tiện ích thông thường của PDA như quản lý công việc, thông tin về bệnh nhân, lịch làm việc... tôi lưu vào Palm rất nhiều ebooks (sách điện tử) về chủ đề y khoa, các phần mềm tính toán chỉ số sinh hóa trong cơ thể và đặc biệt là từ điển thuốc PDR. Thử so sánh cả chồng sách nặng nề, tốn chỗ và một chiếc máy thông minh bằng lòng bàn tay với chức năng hơn hẳn; bạn sẽ hiểu vì sao tôi dùng Palm.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn (Tác giả của nhiều phần mềm tiếng Việt dành cho Pocket PC như DzoDzo, Smart Inbox): Là một người bận rộn và nếu không có PDA-Phone khi ra khỏi nhà, tôi sẽ phải mang theo những thứ lỉnh kỉnh sau: điện thoại di động, sổ tay, bút, camera kỹ thuật số, máy nghe nhạc số, máy ghi âm, kim tự điển, laptop… đó là chưa kể dây dợ!
Những nhận định trên tuy chỉ là của 4 người khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính nhưng phần nào có thể trả lời cho những ác cảm và hoài nghi dành cho cộng đồng sử dụng PDA. Họ đang kiểm soát cuộc sống và công việc của mình một cách rất hiện đại, và tại sao bạn lại không thể làm như thế?
Tuệ Thức